Từ lâu, cà phê Moka Cầu Đất đã trở thành thứ cà phê đặc sản vang danh khắp thế giới, đặc biệt là những quốc gia và vùng lãnh thổ yêu thích cà phê. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những câu chuyện bên lề của loại cà phê này.
Cầu Đất (Đà Lạt) là địa danh duy nhất tại Việt Nam thích hợp để trồng cà phê Moka. Đây cũng là nguyên nhân giúp “Moka Cầu Đất” trở thành một trong những đại diện về cà phê đặc sản của Việt Nam, vang danh khắp bốn bể, năm châu.
Sản lượng hiếm hoi
Những cây cà phê Moka đầu tiên được người Pháp đưa về trồng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, loại cây này chỉ có thể phát triển tốt ở vùng khí hậu có độ cao 1500m trở lên. Chính vì vậy, Cầu Đất- vùng núi có độ cao 1550m, được người Pháp lựa chọn để trồng, nhân rộng loại cà phê này.
Dù chọn được thổ nhưỡng phù hợp để trồng cà phê Moka, tuy nhiên, loại cây này cũng rất khó trồng vì có “thể trạng” yếu cùng khả năng chống sâu bệnh rất thấp.
Kích thước của hạt cà phê Moka thời bấy giờ cũng rất nhỏ, chỉ lớn bằng hạt đậu, thậm chí hạt Moka chín còn nhỏ hơn hoặc bằng hạt xanh non của các giống cà phê cao sản khác. Mỗi năm, sản lượng hạt cà phê Moka mà người Pháp thu hoạch được tại các đồn điền cà phê cũng rất khiêm tốn, mỗi cây Moka khỏe mạnh cũng chỉ cho sản lượng hàng năm khoảng 1-2kg hạt.
Vì có kích thước nhỏ nên hạt Moka khi được thu hoạch chung với các giống khác sẽ vô tình làm giảm giá trị của cả lô cà phê (vì hạt càng nhỏ sẽ bị tính giá càng thấp). Đây cũng là nguyên nhân khiến các cây cà phê Moka bị loại bỏ dần.
Sau này, khi đồn điền cà phê trở thành sở hữu của người Việt Nam, người nông dân mới dần dần thay thế những cây già, bệnh, yếu (những cây cà phê đầu tiên được đưa đến Việt Nam – cây thế hệ F1) thông qua hình thức tái canh, lai ghép chúng với những cây cà phê khỏe mạnh hơn, sản lượng cao hơn (cây thế hệ F2).
Hiện tại, những cây cà phê Moka thế hệ đầu tiên đã rất hiếm. Chỉ ở đâu đó trong một vài đồn điền cà phê lâu năm tại Cầu Đất, Đà Lạt, còn sót lại một vài cây Moka đơn lẻ. Chúng được giữ lại với ý nghĩa như một vật kỉ niệm của người nông dân để lại sau những lần tái canh. Bởi vì những năm gần đây, cuộc chạy đua về sản lượng đã đưa giống Catimo (cây thế hệ F3) lên ngôi, (thay thế hoàn toàn cho giống Moka thế hệ đầu) nhờ khả năng kháng bệnh mạnh mẽ và cho sản lượng vượt trội.
Sản lượng đó quá ít để sơ chế tách biệt, cộng với việc rất ít người thực sự nhận biết và phân biệt được giống cà phê cổ là Moka, dẫn đến việc ngay cả những chuyên gia lâu năm trong ngành cà phê cũng hiếm người thực sự được trải nghiệm hương vị thật của hạt Moka thuần F1.
Những Moka trên thị trường.
Để hiểu được thứ cà phê thành phẩm được gọi là cà phê Moka đang bán tràn lan trên thị trường thực chất là gì, chúng ta hãy học người nông dân Lâm Đồng, phân biệt cà phê Arabica thành 3 loại: cà huyện, cà chè vùng cao và cà Moka. Cách phân chia như sau:
Cà phê huyện (cà huyện): trồng dưới độ cao 1300m, thường chín và thu hoạch sớm, có thể chất kém hơn, giá thành cũng thấp hơn cà vùng cao.
Cà phê vùng cao (cà vùng cao): trồng ở khu vực trên 1300m, chín muộn, hạt chắc, thuôn dài và đậm màu hơn cà huyện, giá bán cũng cao hơn. Cà vùng cao được người dân chia thành 2 loại: Cà chè, cà Mo vùng cao: ý chỉ giống Catimo, giống cao sản được trồng mới sau khi tái canh.
Cà phê Moka (cà Moka): do người nông dân không phân biệt được cụ thể các giống cây nên họ gộp chung tất cả các cây thế hệ F1 (Moka, Typical, Bourbon) và thế hệ F2 (Caturra, Catuai, giống lai…), hay đơn giản hơn là tất cả các cây cũ không phải là Catimo lại thành một cái tên cà Moka. Loại cà này ở mỗi vườn sẽ có chất lượng vô cùng khác biệt do nhân nhiều giống với nhiều tỉ lệ khác nhau, người trong nghề gọi chung là Arabica Blend. Loại cà này số lượng không có nhiều, giá thành cao hơn cà Mo, việc định giá cũng không ổn định theo thị trường mà thường mang đặc tính cá nhân.
Tổng kết lại ta có 3 loại cà phê Arabica: cà huyện giá thấp nhất, cà chè vùng cao giá cao hơn, cà Moka giá cao nhất nhưng sản lượng thấp và chất lượng không đồng nhất, khó đánh giá. Còn cà phê Moka Cầu Đất huyền thoại của người Pháp trồng thì nếu bạn là người thực sự may mắn mới có thể có được vài trăm gram để thưởng thức.
Cà phê Moka nguyên chất (F1) gần như không có sản phẩm thương mại trên thị trường. Những người bán hàng thường chỉ bán 2 loại Arabica, đặt tên là Arabica và Moka. Họ thường dùng tên cà huyện cho sản phẩm mang tên Arabica và cà chè vùng cao cho sản phẩm Moka.
Cà phê Moka thật sản lượng thấp và chất lượng thiếu đồng nhất là một bài toán vô cùng khó giải cho các đơn vị sản xuất. Cách đơn giản để nhận biết là hãy yêu cầu người bán cung cấp một số lượng lớn Moka (ví dụ 1 tấn/tháng), nếu câu trả lời là cần bao nhiêu cũng có thì 99% cái họ đang bán chắc chắn không phải Moka.
Nếu muốn thưởng thức cà phê Arabica nguyên chất, bạn hãy thử bắt đầu với cà phê PREMIUM BLEND của King Coffee. Sản phẩm có thành phần 100% từ hạt cà phê Arabica. Được tạo nên từ niềm đam mê và tình yêu đặc biệt với hạt cà phê của vùng Cầu Đất và các vùng trồng Arabica nổi tiếng khác trên thế giới. Kết hợp với bí quyết huyền bí từ phương Đông, Premium Blend trở thành món quà độc đáo của chuyên gia cà phê Việt với vị chua nhẹ và hương thơm lâu, mang đến cho bạn những giây phút sáng tạo, đột phá và giúp thành công trong cuộc sống.
Đến đây hi vọng VSCA đã cung cấp một góc nhìn giúp bạn thông thái hơn trong việc lựa chọn cà phê để uống. Điều quan trọng là chất lượng thực sự của sản phẩm bạn sử dụng, cái tên đôi khi không nói lên được nhiều điều. Nhớ theo dõi vscv.vn. Sẽ còn nhiều những câu chuyện nữa mong rằng được chia sẻ cùng những người đam mê cà phê.
Sưu tầm