Toàn cảnh thị trường cà phê xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 và biện pháp nhằm ổn định năng suất sau thời kỳ hạn hán kéo dài.
Thị trường cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 có nhiều biến động. Một mặt vì dịch bệnh đang có những chuyển biến phức tạp, mặt khác thiên nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, những người trồng cà phê đã và đang tìm cách ổn định thị trường bằng những giải pháp hữu hiệu.

Thị trường Việt Nam xuất khẩu cà phê nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm 2020
Thị trường cà phê xuất khẩu đã có nhiều bước chuyển mình trong thời gian qua. Giữ vững vị thế Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và tiếp tục đạt được những thành tựu mới. Bởi vì cà phê Việt Nam đang được nâng cao chất lượng từng ngày, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường cafe quốc tế.

Thị trường cà phê xuất khẩu đến các nước trên thế giới
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,05 triệu tấn cà phê tương đương với 1,79 tỷ USD. Giá xuất khẩu trung bình đạt gần 1.700 USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Xét lũy kế đến tháng 7, Đức tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
5 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất trong 7 tháng đầu năm lần lượt là Đức, Mỹ, Italia, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chỉ có Nhật Bản là tăng cả sản lượng và giá trị, 4 thị trường còn lại đều sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu sang Đức 160.504 tấn có giá trị 243,5 triệu USD tăng 2,2% về sản lượng nhưng giảm 1,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét trong tổng sản lượng của cà nước thì xuất khẩu sang thị trường Đức chiếm 15% còn tổng kim ngạch chiếm 14%.
Thị trường Mỹ đứng thứ hai với 89.241 tấn tương đương với 160,36 triệu USD giảm 8,8% về sản lượng và giảm 1,3% về kim ngạch. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Italia đạt 89.537 tấn tương đương với 139,7 triệu USD; giảm 1,7% về sản lượng và giảm 4,2% về kim ngạch. Nhật Bản nhập khẩu 67.703 nghìn tấn cà phê tương ứng với 117 triệu USD, tăng 13,84% về lượng và tăng 15,08% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam
Nửa đầu năm 2020, giá cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng so với đối thủ cạnh tranh là Brazil. Lý giải sự biến động nhà cung cấp trên thị trường Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng cà phê Việt Nam có hương vị mạnh, thơm nồng và giá rẻ nên thiết lập được vị thế vững chắc tại thị trường này. Quốc gia này chủ yếu nhập khẩu cà phê Arabica và Robusta chưa rang hoặc chưa khử cafein. Nhu cầu phối trộn hai loại cà phê này gia tăng đã làm cho người dân ưa thích cà phê của Việt Nam hơn. Bởi mức chi phí thấp hơn và thời gian vận chuyển được rút ngắn do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản gần hơn.
Có thể thấy Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nông sản nói chung và cà phê nói riêng. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe để bước chân vào thị trường này là điều không hề dễ dàng. Không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xét nghiệm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư mà họ còn phải biết được quy trình nuôi trồng diễn ra như thế nào, có đảm bảo được các tiêu chí an toàn hay không. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ yêu cầu của thị trường và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Tổng quan về thị trường xuất khẩu
Trong tháng 7, sản lượng xuất khẩu cà phê sang thị trường quốc tế sụt giảm. Giá trị cà phê xuất khẩu đạt 196,64 triệu USD tương ứng với 110.028 tấn. Tức là giảm 14% về lượng và giảm gần 10% kim ngạch so với tháng 6. Đi ngược lại với chiều hướng này, thị trường Nam Phi lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 420 tấn trị giá 0,65 triệu USD, tăng 320% về sản lượng và 394% về kim ngạch so với tháng trước. Bên cạnh đó, New Zealand cũng tăng 88% về lượng và 95% kim ngạch với 126 tấn tương đương với 0,29 triệu USD.

Tháng 7/2020, giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt mức 1.787 USD/tấn tăng 4,8% so với tháng 6/2020 và 4% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu cho thấy, giá cà phê xuất khẩu cao nhất trong tháng 7 thuộc về Hungary đạt gần 4.777 USD/tấn. Xếp ở vị trí thứ hai là đất nước triệu voi Lào với xấp xỉ 4.606 USD/tấn.
Khắc phục hậu quả sau hạn hán để xuất khẩu cà phê ổn định
Không chỉ phải chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid 19, ngành cà phê Việt Nam còn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Hạn hán kéo dài làm cho hàng nghìn ha cà phê bị mất trắng gây mất mát lớn cho người nông dân.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê trong nước
Bà con phải tích cực chăm sóc với hy vọng khôi phục lại vườn cây càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ hư hại, bà con có thể tỉa bỏ cành khô, cưa ghép, tạo bộ tán mới cho cây cà phê phát triển. Ngoài ra, người dân cũng cần đặc biệt quan tâm tới sâu bệnh hại tại các vườn cà phê sau mùa khô.
Chính quyền phối hợp với các chuyên gia để hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục hậu quả. Cộng với việc lượng mưa tương đối nên việc khôi phục diện tích cây trồng đã có nhiều thuận lợi hơn trước.
Giải pháp hạn chế ảnh hưởng
Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây cà phê, các cấp chính quyền tăng cường quản lý, điều tiết lượng nước hợp lý. Không chỉ phải tìm kiếm nguồn nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho mùa hạ thì quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn đang được triển khai. Sau giai đoạn hạn hán này, nhiều hộ dân đã chuyển sang canh tác cây cà phê dây. Loại cây này có khả năng sinh trưởng khỏe, tán thấp, thuận tiện cho việc thu hoạch.
Ngoài ra, cây cà phê dây còn thể chống chịu bệnh gỉ sắt, bệnh nấm hồng khá tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian thử nghiệm để tìm được loại cây trồng phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của vùng Tây Nguyên.

Phương pháp tăng năng suất và giá trị cho người nông dân
Để có thể gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu ra thị trường quốc tế, người nông dân và doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ. Về phía người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trồng trọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, tham gia các lớp đào tạo, áp dụng khoa học, công nghệ để cải thiện năng suất và chất lượng. Về phía các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào khâu chế biến, kiểm soát tốt chất lượng, quảng bá thương hiệu cafe và tìm kiếm cơ hội ở thị trường quốc tế.
Tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu và mở rộng thị trường. Chủ động tìm kiếm cơ hội ở các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê hòa tan, nhóm những sản phẩm có giá trị cao thay vì chỉ dừng lại ở cà phê thô như trước.
Ngành cafe Việt Nam đã phải trải qua giai đoạn khó khăn để có thể trụ vững trên thị trường. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của người nông dân và doanh nghiệp, chắc chắn thời gian tới chúng ta sẽ cải tiến được chất lượng để gia tăng được giá trị xuất khẩu.
Tìm hiểu thêm về cafe cao cấp Việt Nam.