Từ thế kỉ XIX, cây cà phê đã theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam thời thuộc địa. Ban đầu thứ thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị. Dần dần cà phê trở thành thức uống phổ biến trong cuộc sống của người dân.
CÀ PHÊ PHIN là nét văn hóa độc đáo, tinh túy, chắt lọc và khác biệt của Việt Nam. Khám phá triết lý Sống chậm của cà phê phin là triết lý giúp tập trung vào những điều cốt lõi, xác định những điều thật sự quan trọng và ý nghĩa với bản thân, có phương pháp làm việc thông minh, có giá trị tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Là một thói quen tốt, duy trì sự cân bằng bên trong với thế giới cuốn xoay, hối hả, đa kết nối.
Theo dòng chảy thời gian, tuy trải qua bao nhiêu thế hệ người, bao nhiêu năm, từ văn hóa cà phê vợt, đến cà phê phin Việt Nam có những thay đổi về gu, về vị tuy nhiên hồn cốt, tâm hồn thưởng thức cà phê phin trong con người Việt Nam vẫn vẹn nguyên.
Người Việt uống cà phê buổi sớm, trưa, tối, uống khi buồn, khi sáng tác, suy tư, khi căng thẳng, khi vui, khi cần sẻ chia, khi làm việc, hẹn hò trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người…
Ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ, nghe nhạc, chỉ cần một tờ báo, một ổ bánh mì nóng dòn là nét văn hóa rất rõ của người Việt nam, đặc biệt là người Sài Gòn có nhịp sống đô thị nhanh hơn các tỉnh thành khác. Đủ năng lượng để làm việc.
Cà Phê Việt hầu hết được pha theo phong cách Pháp, tức là dùng phin. Người ta rót nước sôi xong ngồi chờ cà phê nở ra ngấm nước rồi chắt lọc từng giọt, rất đặc biệt. Thích thú và hồi hộp chờ từng giọt Cà Phê rơi tí tách, là sở thích đặc biệt của dân “ghiền” Cà Phê. Muốn cho Cà Phê giữ được độ hấp dẫn, người ta thường ngâm chiếc ly của mình trong một cái chén (bát) nước nóng.
Gu thưởng thức cà phê của người Việt thường là: đậm, đắng, thơm mùi hạnh nhân, mùi đất. Tùy vùng miền, độ tuổi mà gu thưởng thức cà phê theo nhiều kiểu khác nhau và không theo chuẩn mực nào. Chẳng hạn, những thập niên 50, người miền Nam thường bọc cà phê trong tấm vải và nấu trong nồi, gọi là cà phê vợt, họ thích uống cà phê đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, miền Trung chủ yếu uống cà phê pha phin, đen hoặc nâu nhưng đều rất đậm đặc. Người thích một cốc nâu đá pha sẵn đặc quánh ngọt lừ, có người chỉ say mê những giọt cà phê thong thả rơi từ chiếc phin cũ, lại có người thích uống cà phê đánh ực như uống một liều thuốc “tỉnh người”.
Phin Cà Phê là hình ảnh gắn liền xuyên suốt chiều dài lịch sử văn hóa cà phê của người Việt. Và hơn thế, cà phê phin đã mang tầm thương hiệu, một nét đặc trưng riêng, bản sắc riêng của người Việt Nam. Du khách quốc tế đến Việt Nam chọn quà tặng thường là cà phê và phin vì sự thơm ngon, gói văn hóa đặc sắc về cách thưởng thức cà phê rất riêng
Để pha một ly cà phê Việt Nam cần một chiếc phin pha tốt hội tủ đầy đủ các yếu tố:
- Thể tích tiêu chuẩn của phin khoảng 170ml.
- Số lượng lỗ trên phin, đĩa phin phải bằng nhau và phân bổ đồng đều.
- Kích thước lỗ phin phải tương thích với kích thước hạt của hạt cà phê xay, để có thể cho khoảng 55-60 giọt cà phê/ 1 phút.
- Nắp đầy phải khít chặt để không làm mất nhiệt.
Hiên nay trên thị trường, có rất nhiều kiểu phin được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như phin giấy lọc cà phê, phin nhôm cà phê, phin gốm cà phê, phin Inox…. Mỗi loại lại có những đặc điểm riêng. Nhưng cà phê phin nhôm được xem là loại pha cà phê ngon vì độ nóng truyền nhiệt của nước sôi, mỏng và lỗ nhỏ chắt lọc bột cà phê mịn, vừa đủ cho 01 ly cà phê thơm ngon.